Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Mẹo kéo dài tuổi thọ Pin

Giảm cường độ màn hình LCD, sử dụng tính năng tiết kiệm năng lượng trong máy và sử dụng pin đúng cách sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của pin máy ảnh.

Những mẫu máy ảnh kỹ thuật số hiện nay sử dụng màn hình kích thước lớn, nhiều chế độ cùng những chức năng như xem lại ảnh và video ngay trên máy. Do đó, máy rất nhanh hết pin hoặc pin cũng kém tuổi thọ dần sau lâu ngày sử dụng.

Để giúp bạn tiết kiệm pin và kéo dài tuổi thọ của pin dưới đây là 3 mẹo sử dụng với máy ảnh để giữ năng lượng và tổi thọ tốt nhất cho pin.

Cách 1: Mẹo sử dụng màn hình LCD 


Giảm cường độ sáng của màn hình giúp tiết kiệm năng lượng pin
Trong máy ảnh kỹ thuật số màn hình hiển thị LCD tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Bằng cách điều chỉnh độ sáng của màn hình trong phần cài đặt của máy, bạn có thể giảm đáng kể mức năng lượng pin cần sử dụng. Khi pin yếu, giảm cường độ sáng của màn hình tới mức có thể xem được là cách tốt nhất để duy trì năng lượng pin lúc cần thiết.

Tuy nhiên, việc giảm độ sáng có thể ảnh hưởng đến khả năng xem màn hình dưới ánh sáng mặt trời. Chỉ cần che bàn tay, tạo bóng râm cho màn hình bạn có thể nhìn thấy hình ảnh rõ ràng hơn.

Cách 2: Sử dụng tiết kiệm năng lượng trong máy


Nên sử dụng tính năng tiết kiệm năng lượng trong máy
Hầu hết máy ảnh đều có chức năng tạm ngừng hoạt động khi không sử dụng mà vẫn mở nguồn để tiết kiệm pin. Chỉ cần thao tác cài đặt trong Menu của máy và tùy chọn thời gian thích hợp để máy tự nghỉ.

Ngoài ra, tính năng này cho phép máy luôn sẵn sàng hoạt động khi bạn cần chụp ảnh bất cứ lúc nào. Ở một số dòng máy của Sony, để chế độ nghỉ còn tiết kiệm năng lượng hơn so với việc tắt và mở máy liên tục. Do vậy, nên sử dụng tính năng này để đảm bảo cho pin sử dụng hiệu quả nhất khi cần thiết.

Cách 3: Mẹo sử dụng Pin


Nên thao pin khi không sử dụng trong thời gian dài

Sử dụng pin hợp lý cũng là cách tốt nhất để duy trì hiệu suất tốt nhất của máy ảnh. Pin sử dụng kém hơn sau một thời gian hoạt động có thể do những thói quen của người sử dụng. Do đó, nên tránh những trường hợp sau để pin có tuổi thọ lâu hơn.

Không nên sạc pin khi pin còn tương đối đầy. Nếu sạc như vậy nhiều lần pin sẽ bị lỗi và nguồn không ổn định. Nếu dùng pin AA chỉ sử dụng khi các pin có năng lượng tương đương nhau.

Khi ngừng sử dụng máy trong một thời gian dài, nên tháo pin khỏi máy và tránh làm rơi pin, do pin dễ thay đổi phân cực.

Cách giữ pin có tuổi thọ lâu hơn như, sử dụng kính ngắm thay cho màn hình hiển thị, không xem lại ảnh và video khi pin cón năng lượng thấp.

Ngoài ra, pin mất năng lượng nhanh hơn trong muôn trường nhiệt độ thấp, do vậy khi sử dụng trong thời tiết lạnh, có thể để máy ảnh vào túi áo khoác, nhiệt độ cơ thể lúc này là tốt nhất để giữ năng lượng cho pin.

Cách vệ sinh ống kính

Ống kính của máy ảnh số ống kính rời (DSLR) bị bám bụi và những vết bẩn có thể làm xấu các tấm ảnh chụp. Nhưng nhiều người không dám tự lau rửa vì sợ làm xước ống kính.

Bạn nên thường xuyên lau rửa ống kính (lens) như là một cách bảo trì máy. Quá trình này cần cẩn thận vì ống kính là thứ nhạy cảm. Thời điểm tốt nhất để lau rửa ống kính là khi nó bắt đầu bị bẩn nhưng cũng đừng tạo thói quen lau ống kính hàng ngày, như vậy bạn sẽ chỉ làm cho ống kính dễ hỏng hơn. Bạn có thể tìm hiểu vài mẹo nhỏ và đơn giản dưới đây để lau ống kính sạch và an toàn hơn:

Những người sở hữu máy DSLR cần lưu ý vấn đề này: cân nhắc mua thêm bộ lọc UV hoặc kính lọc với mỗi loại ống kính. Luôn luôn gắn các kính lọc này với ống kính. Ngoài chức năng giảm bớt tia UV chúng còn giúp bảo vệ ống kính khỏi bị xước hay thậm chí rơi vỡ. Điều đó cũng có nghĩa bạn đôi khi chỉ cần lau rửa bộ lọc thay vì phải lau ống kính (trừ phi bụi rơi vào trong ống kính). Luôn nhớ rằng máy ảnh đi với bộ lọc sẽ cho ra nhiều kiểu ảnh chất lượng khác nhau – nếu bạn sở hữu loại ống kính đắt tiền thì cũng nên đầu tư vào một bộ lọc xịn.


Hầu hết các cửa hàng máy ảnh đều có bán chất lỏng chuyên lau rửa ống kính. Hóa chất này giúp loại bỏ các dấu vân hay và các vết bẩn khác mà không để lại vết lau trên ống kính hay bộ lọc. Nhớ rằng bạn không cần dùng quá nhiều chất tẩy rửa trong mỗi lần rửa, thường chỉ cần một hay hai giọt lau với khăn mềm là đủ. Thấm một chút chất lau rửa vào vải hoặc khăn khô sẽ tốt hơn là nhỏ trực tiếp lên ống kính.


Một cách đơn giản khác được nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng là hà hơi lên ống kính rồi lau với một mảnh vải. Hoặc bạn có thể hà hơi lên ống kính sau đó dùng chất lau rửa cho những vết bẩn cứng đầu.
Nhỏ vài giọt nước tẩy rửa lên một chiếc khăn mềm. Bạn cũng có thể dùng giấy mỏng để khi lau không làm xước ống kính. Khăn lau chỉ được dùng một lần và nên vứt đi ngay sau khi sử dụng. Đừng sử dụng giấy thường – loại giấy đó cứng và sẽ làm xước ống kính.

Hầu hết các cửa hàng máy ảnh đều bán ống thổi với nhiều chủng loại. Khi sử dụng dụng cụ này trong máy ảnh, bạn cần hết sức cẩn thận vì nếu nó có thể thổi cả bụi vào trong máy. Dụng cụ thổi rất hữu ích khi làm sạch máy từ bên ngoài, bao gồm cả ống kính. Trước khi sử dụng ống thổi bạn hãy bóp nó vài lần để loại bỏ bụi bám bên trong dụng cụ.


Trong trường hợp máy ảnh có quá nhiều bụi, chổi quét là một công cụ hữu ích. Chọn chổi quét có sợi tốt và mềm để tránh làm xước ống kính. Tương tự bạn cũng nên đầu tư vào một cây bút quét ống kính chuyên dụng với đầu chổi có thể co rút.


Cho vài túi chống ẩm dưới đáy túi đựng máy ảnh. Các túi chống ẩm sẽ hút ẩm trong túi để giữ cho ống kính và máy DSLR luôn khô ráo và sạch sẽ. Thường xuyên bỏ túi chống ẩm cũ và thay thế bằng các túi mới để đạt được hiệu quả tốt nhất.

 

Cách vệ sinh cảm biến

Nếu bạn nhìn kỹ ảnh khi chụp với máy ảnh số ống kính rời (DSLR) đã sử dụng lâu thì có thể sẽ thấy những vệt bẩn, đó là do bụi bám bên trong thân máy.

Thậm chí nếu bạn chưa bao giờ thay đổi ống kính thì bụi vẫn có thể luồn vào trong thân máy và đáp xuống ngay tấm cảm biến. Và nếu bạn thường thay đổi ống kính thì thậm chí những hạt bụi lớn cũng có thể dễ dàng bám vào cảm biến. Hiện nay có vài máy ảnh DSLR tiên tiến có chức năng tự động làm sạch bằng cách rung cho bụi trên cảm biến rớt xuống. Những tính năng này xem ra có ích nhưng vẫn không đảm bảo được ảnh chụp của bạn sạch bụi hoàn toàn. Dưới đây là cách chùi cảm biến cho máy DSLR một cách an toàn và hiệu quả.

Hiện trên thị trường bán khá nhiều bộ đồ nghề lau chùi máy ảnh DSLR, trong đó có cả thiết bị hút bụi. Ta hãy thử chùi cảm biến với một bộ đồ nghề đơn giản chỉ với miếng gạc lau và dung dịch chùi. Cách làm của Photographic Solutions Survival Kit (photosol.com) nghe có vẻ hợp lý nhất bởi vì nó không cần thao tác rườm rà và rẻ. Hãy chắc là bạn mua đúng loại dụng cụ chùi rửa cho đúng loại máy ảnh bạn đang dùng bởi vì một số dung dịch phản ứng xấu với một loại cảm biến nào đó. Tham khảo trang web nhà sản xuất bộ chùi rửa đó để biết thêm thông tin. Bạn cũng cần chú ý là kích thước của gạc chùi phải vừa với máy ảnh, bạn không cần dùng miếng gạc quá lớn.

Bộ đồ nghề Photographic Solutions Digital Survival Kit có mọi dụng cụ cơ bản để giúp cảm biến máy ảnh của bạn luôn sạch sẽ.

Trước khi thực hiện, điều quan trọng cần nhớ là quá trình lau chùi cảm biến có thể làm hại đến máy ảnh nếu bạn sử dụng sai công cụ. Nhưng nếu bạn theo các chỉ dẫn chính xác thì sẽ dễ dàng thành công.

Đừng chùi cảm biến nếu chính ống kính là thủ phạm gây ra hạt trên ảnh. Sử dụng ống thổi để thổi sạch bụi bám phía trước ống kính rồi dùng vải chuyên dụng chùi ống kính; thực hiện tương tự cho mặt trong ống kính. Chùi bằng chất lỏng có thể làm hại đến hóa chất phủ bề mặt ống kính và bạn cũng đừng bao giờ sử dụng vải lau bụi thường dùng trong nhà mà phải cần loại vải chuyên dành lau ống kính.

Xác định vị trí bụi

Bạn cần thử cảm biến trước khi chùi. Trong môi trường nhiều ánh sáng, thiết lập máy ảnh với khẩu độ nhỏ nhất mà ống kính cho phép. Dùng bề mặt trắng trơn như là tờ giấy và chọn chế độ ưu tiên khẩu độ để máy ảnh tự động thiết lập tốc độ thích hợp, chụp vài tấm dùng để tham khảo tình trạng trước khi chùi.

Mở ảnh bạn vừa chụp lên trên máy tính và xem ở 100%. Những tấm ảnh này phải hiển thị màu trắng giống hệt nhau khi bạn chụp. Hãy tìm những vết nhỏ, gần như trong suốt, hoặc những đốm tối, hoặc các đường mỏng, đó có thể là sợi vải, tóc, nỉ, tro bụi... Nếu chúng xuất hiện cùng một vị trí trên các tấm ảnh bạn chụp thì vấn đề nằm ở chỗ cảm biến rồi. Nếu đến đây bạn chưa phát hiện điều gì thì có nghĩa là bộ cảm biến không có bụi.

Chùi cảm biến

Bạn hãy kích hoạt chức năng chùi bằng tay của máy ảnh để lật mở gương và sau đó tháo ống kính ra. Cần đảm bảo rằng pin trong máy đầy bởi vì gương hoặc thấu kính có thể bị kẹt nếu máy ảnh mất nguồn hoặc bị tắt. Bạn có thể gây hư hại bộ phận quang học này nếu lỡ để dụng cụ nào rớt vào trong.
Nếu bạn thấy rõ một hạt bụi nào đó bám trên cảm biến thì hãy cố thổi nó ra bằng chổi thổi. Lấy một miếng gạc lau cảm biến mới, nhỏ vào đó 2 đến 3 giọt rửa của Eclipse (trong bộ dụng cụ Photoraphic Solutions). Lau nhẹ nhưng phải vững tay, kéo miếng gạc đó ngang qua cảm biến; sau đó, kéo miếng gạc theo chiều ngược lại, đảm bảo là khi kéo ngược về, bạn sử dụng mặt sạch của miếng gạc.
Gắn ống kính vào và đóng gương hoặc thấu kính lại. Chụp thử thêm vài tấm để xem bạn đã chùi hết mọi vết bẩn chưa. Nếu chưa, hãy lặp lại các bước như trên cho đến khi cảm biến sáng bóng. Không được lau chùi khi ở ngoài trời.

Giữ cảm biến sạch sẽ

Cách tốt nhất để giữ cảm biến luôn ở tình trạng tốt là phải luôn chú ý khi tháo lắp ống kính. Hãy tháo lắp nhanh chóng, luôn giữ cho thân máy và cả 2 đầu ống kính luôn có nắp đậy khi để rời. Nếu bạn có nhiều nắp đậy cho thân máy hoặc cho ống kính thì hãy luôn giữ chúng thật kín. Những bề mặt này (thân máy, ống kính, nắp đậy) càng tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì càng dễ bị bám bụi.

Bảo quản thiết bị nhiếp ảnh của bạn

Tôi yêu nhiếp ảnh. Và bạn cũng thế. Hãy đi dạo 1 vòng, bạn sẽ thấy hàng trăm người mang theo các loại máy ảnh SLT, DSLR, Mirrorless và compact. Và nếu bạn có thể lại gần họ, bạn sẽ thấy vài nhiếp ảnh gia còn sử dụng máy ảnh dạng phim như Range Finder và SLR.
Cho dù những máy ảnh đó lâu đời như thế nào đi nữa (vài máy đã có "tuổi đời" 30 hoặc 40 năm) thì làm thế nào nó vẫn còn hoạt động tốt sau mấy chục năm như vậy? Tất cả nằm ở việc chăm sóc cho thiết bị của bạn.
Khi tôi còn nhỏ, cha tôi luôn làm sạch cực kỳ cẩn thận máy ảnh SLR và các ống kính sau khi sử dụng và luôn đặt nó ở trong một hộp khô ráo có hạt hút ẩm. Tôi không hiểu tại sao ông ấy làm như vậy; Tôi cũng không hiểu sự cần thiết phải làm sạch những miếng kim loại quá cũ như vậy.
Nhưng vì tôi đã chìm đắm vào thế giới nhiếp ảnh và học được nhiều hơn, do vậy mà tôi đã hiểu được lý do tại sao các nhiếp ảnh gia lại bảo quản cẩn thận các thiết bị của họ. Máy ảnh giúp bạn có được những bức ảnh đầy nghệ thuật. Nếu ống kính và bộ cảm biến bị dơ, bức ảnh chụp của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Với tôi, tôi yêu nhiếp ảnh đường phố và phong cảnh, và điều đó có nghĩa là tôi thường vi vu ở ngoài đường và liên tục di chuyển. Và tôi yêu du lịch.

Túi chứa các thiết bị:  


Và trong một ngăn nhỏ, tôi luôn để những vật này:

 

Những thứ đó được sử dụng khi ống kính bị dơ hoặc có những điểm nhỏ xuất hiện trên ảnh chụp. Và đó cũng là lúc để sử dụng những dụng cụ này.

Vậy bạn cần những gì để lau sạch các thiết bị của bạn khi đang ở ngoài?

Bạn cần một dụng cụ thổi khí (Bóng thổi), "bút" chùi ống kính (lens pen) và khăn lau mềm. "Bút" chùi ống kính có nhiều loại với nhiều mục đích sử dụng khác nhau, vì vậy chỉ chọn loại bạn cần. Mua một bộ thường rẻ hơn mua từng cái.


Blower: Bóng thổi
Lens Pens: "Bút" lau
LCD Screen: Dùng lau màn hình LCD
Large lens elements: Dùng lau ống kính
Small lens elements: Dùng lau máy du lịch

Thay ống kính

Khi bạn thay ống kính, hãy đặt máy ảnh hướng xuống với ngàm ống kính (Lens Mount) hướng xuống mặt sàn, và lưng bạn cản gió.
Điều này đảm bảo rằng khi gương và bộ cảm biến được phơi ra, bụi sẽ không bám vào hoặc mắc kẹt vào hộp gương. Dĩ nhiên, những vật khác có thể rớt vào trong như phân chim, nước bọt và những vật nhỏ khác.
Ấn nút tháo ống kính và tháo ống kính ra khỏi ngàm bằng cách vặn ra.




Vẫn đặt máy ảnh hướng xuống, lắp ống kính khác vào khung máy ảnh sao cho ăn khớp với các điểm trên ngàm và ống kính. Đảm bảo rằng nó được khóa chặt và phát ra tiếng click ăn khớp. Nếu không, ống kính có thể bị rơi ra! 



Làm sạch ống kính 

Tháo nắp đậy ống kính (nếu nó vẫn còn trên ống kính) và lấy bóng thổi ra. Sử dụng nó để thổi hết bụi và những mảnh vụn nhỏ ở phía trước.

 

Sau đó dùng "Bút" chùi ống kính, đầy đầu chổi ra và quét sạch các mảnh vụn cứng đầu này. Không được sử dụng khăn lau mềm để lau sạch bụi. Nó có thể kéo những mảnh vụn cứng đi ngang ống kính và làm trầy nó. Nếu ống kính của bạn là tài sản quý hoặc cực kỳ đắt, hãy cẩn thận hơn nữa.


Bây giờ hãy sử dụng đầu còn lại của "bút" chùi ống kính. Bắt đầu chùi từ tâm của ống kính với đầu "bút", chùi nhẹ từ tâm ống kính ra tới rìa để loại bỏ bất kỳ bụi bẩn nào.


Cách để làm sạch đầu "bút" là sử dụng một hỗn hợp carbon trên khăn lau mềm bên trong nắp "bút". Sau khi lau sạch ống kính, hãy gắn nắp vào đầu "bút" và xoay nó vài lần xung quanh để bổ sung lại hỗn hợp carbon cho lần sử dụng tiếp theo.
Bạn có thể sử dụng "bút" chùi ống kính cho mặt sau (đít) của ống kính, nhưng nếu nó khá nhỏ, hãy sử dụng "bút" mini cho mặt trước/ sau của ống kính nhỏ hơn và cho ống kính của máy ảnh compact.



Làm sạch bộ cảm biến

Bạn sẽ làm gì nếu như có bụi trên bộ cảm biến?

Đây không phải là UFO ^_^

Khi bạn thấy vài điểm đen hoặc mờ trên bức ảnh, mặt trước và sau ống kính chưa được làm sạch.

Đầu tiên, bạn hãy vào Menu -> Cleaning mode và bật nó lên. Sau đó bạn hãy tháo ống  kính ra, tiếp theo lật gương lên và khóa nó lại. Sau đó, bạn hãy hướng ngàm ống kính xuống mặt sàn. Nếu bạn sử dụng máy ảnh Sony SLT, bạn cần tìm chốt cài ở dưới đáy gương và ấn nó để lật gương lên.



Pin máy ảnh phải còn ít nhất 50% để sử dụng chức năng làm sạch.


Với các máy ảnh SLT và Mirrorless, bạn cũng cần bật "Cleaning Mode". Cleaning Mode sẽ làm rung bộ cảm biến để loại bỏ đi những mảnh vụn hoặc bụi (và đó là lý do tại sao bạn nên tháo ống kính và hướng nó xuống. Sau đó bụi sẽ rơi xuống và không bám vào mặt sau của ống kính). Nếu kính SLT vẫn còn hướng xuống, bụi sẽ rơi vào mặt sau của kính.

Dùng bóng thổi, và đưa cẩn thận vòi vào trong hộp gương. Đừng đụng vào bộ cảm biến!! (Theo kỹ thuật, máy ảnh Mirrorless compact không có hộp gương (mirror box). Đó chỉ là một khoảng trống từ phía trên bộ ngàm đến bộ cảm biến).

Thổi vài lần để loại bỏ nốt phần bụi còn lại…

Nếu bạn quên đem theo bóng thổi, hãy cố gắng mượn nó từ một nhiếp ảnh gia khác. Không bao giờ dùng miệng để thổi vào hộp gương nếu bạn không muốn bộ cảm biến của bạn được bao phủ bởi tàn dư của thức ăn từ bữa trưa và nước bọt.

Bây giờ hãy tắt máy ảnh, vẫn còn hướng xuống, và lắp ống kính vào. Với máy ảnh SLT, hãy nhớ khóa gương vào đúng chỗ!

(Lưu ý nếu bụi vẫn còn sau khi thổi, nó có thể bị dính quá cứng. Hãy đem máy đến Trung tâm bảo hành để làm sạch bộ cảm biến)

Làm sạch màn hình LCD và thân máy

Bạn loại bỏ bụi bẩn khỏi thân máy và LCD bằng cách nào? Bạn cần bóng thổi và một khăn lau mềm.
Đầu tiên, hãy sử dụng bóng thổi để thổi sạch tất cả bụi hoặc những mảnh vụn nhỏ có thể làm trầy xước thân máy hoặc LCD.



Tiếp theo, hãy lau LCD bằng khăn mềm theo hình tròn từ tâm, dọc theo thân máy.


Nhân tiện, hãy sử dụng "bút" chùi ống kính để làm sạch LCD.


Lưu ý rằng, không sử dụng lại khăn lau nếu quá nhiều bụi. Hãy giặt sạch khăn trước khi sử dụng lại, nếu không bạn có thể làm bẩn thêm LCD và thân máy.

Trên đây là những mẹo nhỏ làm sạch cơ bản khi bạn chụp hình ở bên ngoài. Khi bạn trở về  nhà sau vài ngày chụp hình mệt nhọc, đừng quên lau chùi sạch sẽ máy ảnh nhằm loại bỏ vết bụi bám và mồ hôi sau khi thổi bằng bóng thổi. Để máy ảnh khô, và cất vào hộp khô/ vỏ khô để ngăn ngừa nấm.

11 lưu ý để bảo vệ máy ảnh

Một khi bạn đã bớt ăn bớt tiêu, dành dụm và bỏ ra một số tiền không nhỏ, để sắm cho mình một DSLR rồi thì không nên nôn nóng cố gắng để trở thành tay bấm máy chuyên nghiệp, với những bức ảnh mà ai xem cũng phải xuýt xoa, mà trước hết cần đọc và cần biết về bảo quản, vận hành, vệ sinh máy...Sau đây là bài viết được tổng hợp từ kinh nghiệm của bản thân và những người đã từng sử dụng máy truyền lại. Có những điều tưởng chừng là đơn giản nhưng phải trút hầu bao nhiều đấy.


1. Nếu mới sắm sửa một dSLR:

Trước khi đưa ra đi ứng dụng nên tìm hiểu kỹ những thông số, ý nghĩa của những thông số, thuật ngữ về máy ảnh, đọc kỹ hướng dẫn và những khuyến cáo của nhà sản xuất.

2. Vấn đề vệ sinh:

Khi lau chùi sensor (cảm biến), lens (thấu kính-ống kính=ok) phải cẩn thận và bình tĩnh, không nên nóng giận. Không nên thấy máy có tí bụi mà vội vàng lau chùi bằng những vật dụng không đúng chức năng dùng để lau chùi (tối kỵ việc lau chùi bằng tăm bông ngoáy tai). Luôn nhẹ nhàng trong mọi tình huống lau chùi. Bây giờ một số máy đã có chức năng tự động làm sạch bụi cho sensor (nhưng không có nghĩa là không bảo vệ máy trước bụi). Khi muốn làm sạch tự động bằng máy phải chú ý là pin phải đầy vì quá trình làm sạch senser rất tiêu tốn năng lượng.
Vệ sinh máy ảnh không khó và đây là công việc nên làm thường xuyên. Một trong những bộ phận hay bị bám bụi là ống kính, trước khi lau ống kính, giữ máy ảnh quay xuống dưới, nhẹ nhàng thổi sạch bụi và các chất bẩn bằng dụng cụ thổi hơi bằng tay. Kế tiếp lau sạch ống kính bằng vải mềm và khô hoặc giấy chuyên dùng để lau ống kính.
Nếu cần có thể lau sạch ống kính với vài giọt nước lau kính, nhỏ vài giọt nước lau kính lên giấy lau kính chứ không nhỏ trực tiếp lên ống kính.
Nên sắm cho lens một filter (kính lọc), vừa bảo vệ lens không trầy sước, vừa chống bụi tuyệt hảo. Filter có tí bụi nào thì hà hơi thổi ngạt lau chùi ngay.

3. Vấn đề thời tiết:

Tránh ánh sáng mạnh. Cấm chiếu thẳng vào mặt trời (trừ lúc bình minh, hoàng hôn), bóng đèn cao áp, đèn laser ở sân khấu để chụp. Khi chụp ở điều kiện khí hậu khắc nghiệt như khí trời ẩm ướt, gió bụi nhiều không nên tháo thay ống kính.
-Thời tiết nóng, lạnh hay mưa đều có thể ảnh hưởng đến việc chụp bằng máy ảnh số. Trong trường hợp này cần phải có những thiết bị để bảo vệ máy ảnh trong những điều kiện thời tiết khác nhau.
-Giữ các bộ phận trong túi đựng chuyên dùng, bao đựng chống nước sẽ giúp bảo vệ tốt máy ảnh. Trong túi lọc nên có các túi hút ẩm.
Nếu thời tiết quá lạnh hãy tìm cách giữ ấm cho máy ảnh, nếu quá nóng thì không nên để máy ảnh trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
-Không nên chụp hình liên tục thời gian dài bằng máy số và phơi máy dưới ánh nắng trong ngày hè nóng ngoài trời!
-Khi chụp đêm khuya trời thường có sương nên không khí ẩm ướt do đó không nên tháo len ra khỏi body. Ngoài ra cần mang theo 1 bị nylon phòng khi mưa bất tử hay gió đưa cát bụi bay vào.
Thay lens trên giường trong phòng ngủ là 1 điều không khuyến khích, vì bụi khá nhiều, từ mùng mền chiếu gối.
Chú ý: Khi mang máy từ phòng lạnh ra ngoài trời , máy dễ bị ẩm. Bởi nhiệt độ trong phòng điều hòa (phòng lạnh) thường thấp hơn nhiều so với ngoài trời, khi máy bị thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm ngưng tụ nước trên bề mặt kính, bên trong, bên ngoài máy. Vì thế nên để nhiệt độ thay đổi từ từ máy sẽ không sao. Ở Việt Nam mình khí hậu nóng ẩm, vào mùa này có nhiều bác đi du lịch ở các vùng biển, khi ở trong khách sạn có máy lạnh, vì thế khi mang máy ảnh đựng trong túi đựng ra ngoài trời thì không nên tháo vội máy ra khỏi túi mà cứ để túi nóng dần lên làm nhiệt độ bên trong tăng dần là được. Kinh nghiệm này là em đúc rút từ hôm đi Bãi Lữ resort.

4- Khi tháo lắp:

Khi thay lens, tháo & lắp thẻ nhớ,pin nhớ phải tắt máy trước.
-Khi gắn lenses, filters thì nên chỉnh sang chế độ Manual Focus (chế độ lấy nét bằng tay-MF) trước rồi hãy gắn lens vào.
- Để lens gá vào body, nhẹ tay xoay xoay cho tới khi nào khớp thì thôi, chứ đừng để vào rồi trợn mắt nghiến răng mà xoay là chết chắc. Trên thân của lenses có 1 cái chấm màu đỏ hoặc ở canon là màu trắng vàtrên body cũng có 1 cái chấm màu đỏ, để cho 2 chấm đó vào nhau rồi xoay là được.
Ngược lại khi tháo lens ra khỏi body thì lập tức dùng nắp đậy để đậy senser.
Khi lắp vào tháo máy vào tripod cũng phải đúng loại, phải thao tác nhẹ nhàng tránh làm trờn ren, hoặc để máy lỏng lẻo không đạt được những bức ảnh như ý lại còn có nguy cơ rơi máy.
-Khi tháo lắp thẻ nhớ cần chú ý chiều của thẻ, ở mặt trong của nắp thẻ thẻ có hình ghi rõ chiều khuyết của thẻ vì vậy chỉ cần đặt thẻ đúng như chiều đã hướng dẫn để lắp vào. Với những thẻ đi mượn cần kiểm tra trước xem dung lượng trong thẻ, bởi vì khi lắp vào máy sẽ không xóa được những dữ liệu không thuộc dạng file ảnh vì trên đó không có hệ điều hành, phải diệt virus trước, và nếu có ảnh cũ đã lưu được chụp từ máy khác dòng thì nên copy ra vì khả năng bị mất ảnh khi lắp thẻ sang máy dòng khác.
- Không nên gắn các đèn flash của máy đời củ lên các máy đời mới, hoặc máy không cùng dòng. Cần tìm hiểu kỷ loại flash cũ đó có dùng cho máy được không.

5. Những vấn đề khi kết nối với PC, TV

a-Không nên cắm máy trực tiếp vào TV hoặc PC để xem hình hoặc lưu ảnh vào ổ cứng (mặc dù là có cable) mà nên dùng qua thẻ, vì:
5a.1. Desktop: Bộ nguồn không an toàn
- Dùng tụ và điện trở để cản điện 220v - chắc gì những linh kiện trên không bị thủng bất ngờ.
- Nếu ngắt điện đột ngột, tụ sẽ phóng trả 1 điện thế bằng với lúc nó nạp = 220v.
- Nguồn 220V có chắc luôn ổn định?
5a.2. Laptop: Tương đối an toàn hơn, cố gắng ngắt nguồn 220V (không charge) khi direct connect.
b. Thẻ nhớ luôn rẻ hơn main board (bo mạch chính) của máy. Việc mua và thay thẻ nhớ dễ dàng hơn rất nhiều và vấn đề kinh tế nữa.
c. Những PC không được nối đất thì hầu hết bị nhiễm điện, nguồn điện này có thể gây hư hỏng tới vi mạch của máy vì vậy tốt nhất là dùng đầu đọc thẻ cho an toàn.

6- Mang vác vận chuyển:

Không mang vác vận chuyển máy khi đang gắn trên tripod (chân máy) vì tripod có thể không đủ ổn định để giữ máy gây ra các hiện tượng rơi, va đập không đáng có.
-Khi đi xa bằng các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hỏa thì không được để máy trong cốp xe, thùng xe tránh những va đập và chấn động ảnh hưởng tới máy.
-Không đựng máy trong cốp xe máy vì cốp xe máy có thể bị nóng gây hư hỏng senser.
- Không nên vừa đeo máy trên cổ, trên bụng vừa uống nước đề phòng nước rỏ xuống máy. Khi vừa vận động mạnh có nhiều mồ hôi cũng không nên cầm máy, máy dễ bị mồ hơi rớt vào. Khi phải mang vác máy trong những cuộc leo trèo, nên nới ngắn dây túi đeo máy để máy ôm sát vào người mình, tránh những va đập không đáng có.
- Để xa tầm tay của trẻ em, tránh những quăng quật dẫn đến thương tật cho máy.

7. Cấm để máy trong tủ quá lâu

- Các mạch điện tử có hoạt động mới ít bị hư hỏng, pin có xài có nạp...
- Hao mòn vô hình (không dùng cũng rớt giá) lãng phí vốn đầu tư.
- Hình giảm chất lượng (do tay nghề, mắt nghề, sản phẩm sụt giảm )
-Nếu không dùng máy trong khoảng thời gian (3,4 ngày hoặc lâu hơn ) thì nên tháo pin ra khỏi máy để tránh bị chạm điện hay pin hư chảy nước là hư máy.
-Khi đã sử dụng máy một thời gian, nên kiểm tra thời lượng dùng pin của máy, máy móc ẩm mốc có thể là nguyên nhân dẫn đến hao tốn pin nhanh chóng thay vì việc đổ lỗi cho pin hỏng và đi thay thế pin mới, nên kiểm tra lại máy và pin một cách cẩn thận.
- Không cất máy trong những nơi ẩm thấp, có các loại hóa chất, nơi có nhiệt độ cao…tất cả những nơi trên đều nhanh chóng làm hư hỏng máy.

8. Khi sạc đầy pin xong: không nên lắp pin đó vào máy ngay vì có thể gây hỏng bộ cấp nguồn của Dcam.

Giải thích: Pin Lithium vừa sạc xong có thể phóng một dòng lớn hơn chuẩn, nếu lắp ngay vào thiết bị có thể làm hỏng vi mạch trong máy. Bản chất là pin không tạo ra dòng điện lớn hơn mà điện áp trên pin lúc sạc xong khá cao, chẳng hạn pin 6,4V có thể lên 8,0-8,8V. Với điện áp này thì thiết bị có thể bị hỏng.
Pin mới sạc xong cũng nóng lắm bỏ liền vào body thì chính cái nhiệt này có thể làm hỏng các bộ phận li ti của body.
Giải pháp: để pin nghỉ khoảng 5' - 10" sau khi nạp rồi mới lắp vào máy.
-Không được sử dụng pin không đúng chủng loại, pin chế cho máy.
Khuyến cáo của nhà sản xuất: Một số các chức năng có thể bị ảnh hưởng nếu nguồn pin trên máy bị yếu. Pin khi đã bị hư hỏng và không dùng phải nhớ bỏ vào thùng rác, để xa tầm tay trẻ em.

9. Ánh sáng flash của dSLR rất mạnh:

khi chụp ảnh cho trẻ em phải chú ý tắt flash hoặc không được chiếu thẳng vào mắt trẻ nhỏ, khoảng cách tổi thiểu đối với trẻ em phải từ 1.5m trở lên và với người lớn là 1m trở lên, khi chụp chân dung thì có thể chụp chéo, nghiêng để tránh trường hợp ánh sáng flash trực diện với mắt. Nếu muốn chụp cận cảnh hơn thì nên sử dụng tính năng zoom thay vì đặt ống kính gần so với người chụp. Các ông bố bà mẹ trẻ nên chú ý điều này nếu không muốn làm hại đôi mắt của những em bé.

-Khuyến cáo của nhà sản xuất:
+ Không chớp flash vào người đang điều khiển phương tiện giao thông vì có thể gây tai nạn.
+ Không sử dụng flash trong khu vực có các chất dễ cháy nổ/
+ Không được sử dụng máy ở gần bếp ga.

10. Hiểu các thông báo lỗi.

Thường thì khi máy không hoạt động được bình thường bởi các sự cố thì nó sẽ hiện thông báo trên màn hình LCD bởi có số của lỗi.
Error message and Solution: Lỗi của máy báo trên LCD và biện pháp khắc phục:
No01: Communications between the camera and lens is faulty. Clean the lens contacts
( Lỗi này nói đến lens và máy không đồng bộ, cần kiểm tra lại lens xem có bị hư hỏng không, có điều gì cần chú ý không, cần tháo ra và lau chùi lại, nhưng nếu cảm thấy không ổn không được cố tình bật máy để sử dụng)
No02: Card cannot be accessed. Reinsert/change card or format card with camera
(Lỗi này nói đến thẻ nhớ của bạn có vấn đề, bạn nên tháo ra lắp lại và khởi động lại để kiểm tra 1 lần nữa, hoặc bạn lắp thẻ không đúng kích thước, hoặc thẻ bị lỗi, bị virus, thẻ chưa được định dạng, cần cắm thẻ vào PC và thực hiện các thao tác định dạng (format) lại thẻ nhớ.
No04: Cannot save images because card is full. Replace card
(Máy ảnh không lưu được ảnh bởi bộ nhớ bị đầy, điều này thì tùy từng lúc mỗi người ứng biến thôi, xóa bớt những ảnh không cần thiết, định dạng lại size (kích cỡ) ảnh cho phù hợp tránh tình trạng thẻ nhớ dung lượng thấp phải lưu ảnh định dạng cao, làm hạn chế số lượng ảnh)
No05: The built-in flash could not be raised. Turn the camera off and on again…
Và một số các lỗi sau máy đều có 1 câu thông báo là “Turn the camera off and on again” thì chúng ta chỉ cần tắt máy và bật lại là được. Nếu vẫn có những lỗi tương tự như vậy thì cần xem lại xem đã thiết lập cái gì bất hợp lý.

11. Kinh nghiệm xương máu:

+ Không nên chĩa ống kính vào những người không thích bị chụp ảnh, cần thiết là phải chụp trộm thôi. Khi chụp trộm bị phát hiện phải bỏ chạy thật nhanh.
+ Nếu nhỡ tay chụp ảnh cho những người đẹp mà không như ý, vô tình tạo ra những bức ảnh xấu thì nên xóa ngay, không nên để vì sẽ mất uy tín và đôi khi bị những cô nương xinh đẹp xử lý cả bạn và đồ nghề
+ Tiếng động của đèn flash hay tiếng động của máy có thể làm bạn bị lộ khi cố tình chụp những khoảnh khắc. (chụp trộm, chụp động vật) vì vậy cần tắt hết các loại tiếng động đó đi.
+Tối ngủ không được ôm máy ngủ, sẽ ảnh hưởng tới sensor, trầy xước LCD. Lỡ ngủ say còn đè bẹp máy, không thì cũng bị vợ đập cho tan nát vì... ko chịu ôm vợ mà ngủ.
+ Không được tỏ ra yêu quý máy hơn vợ hoặc người yêu không thì có ngày máy bị ám hại lúc nào không hay, trừ khi luôn dùng máy để chụp ảnh đẹp cho vợ con và người yêu.
+ Không nên cho những người chưa từng dùng dSLR mượn, kể cả bố vợ, em vợ…bởi vì những người không chuyên về máy có thể làm hỏng máy trong tích tắc, ví dụ như để thời gian phơi sáng vài giây trước ánh sáng mặt trời là đi toi ngay sensor, hoặc điều xấu nhất là bạn bị lộ những ảnh không muốn cho người khác thấy.
Nếu có cho mượn thì phải in cái bài này ra cho người mượn đọc và phải hướng dẫn qua những bước cơ bản nhất khi làm quen với máy.
+ Không chụp ảnh khi đã quá chén, lúc này thì người mình đứng không vững huống hồ là máy phải không các bác, nguy cơ là máy ảnh rơi, va đập, ảnh nhòe nhoẹt...
+Không nên vừa hút thuốc lá vừa chụp ảnh, vì nếu ngậm ở miệng

Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Cách chọn túi máy ảnh

Ngoài mục đích bảo vệ máy ảnh, chiếc túi còn thể hiện cá tính của một nhiếp ảnh gia


Hầu hết các máy ảnh phổ thông Point-and-Shoot đều đủ nhỏ để nhét vừa túi hoặc ví của bạn mà không cần balo hay túi xách kềnh càng. Tuy nhiên, nếu bạn đầu tư một máy ảnh DSLR đắt tiền với nhiều phụ kiện rời kèm theo như ống kính, chân đế, sạc, thẻ nhớ,… chắc chắn bạn phải cần đến một chiếc túi lớn hoặc hộp đựng phụ kiện. Ngoài mục đích bảo vệ máy ảnh, chiếc túi còn thể hiện cá tính của một nhiếp ảnh gia.

Túi đựng máy ảnh hiện nay có rất nhiều loại, từ loại kích thước nhỏ dùng để đựng một máy ảnh DSLR cho đến loại kích thước lớn có khả năng chứa 5, 6 máy ảnh cùng lúc. Tùy mục đích và sở thích mà bạn chọn cho mình một chiếc túi đựng máy ảnh phù hợp, một vài gợi ý bên dưới chắc chắn sẽ hữu ích đối với bạn.

Túi cổ điển


Các loại túi mang phong cách cổ điển thường được làm bằng vải và có màu đậm hơn so với những loại túi khác, tạo vẻ sang trọng và lịch lãm cho những ai đeo nó.

Domke F-2 Ruggedwear Shooter là túi đa năng được thiết kế theo phong cách cổ điển, nó được làm từ vải tráng, có khả năng chứa hai bộ máy ảnh DSLR với nhiều ống kính rời. Hai túi tiện dụng bên ngoài cho phép bạn “nhét” thêm một vài thứ lặt vặt như khăn lau, nước uống,… Giữa các ngăn bên trong túi là miếng đệm êm ái giúp giữ cố định vị trí từng món đồ mà không làm trầy chúng. Domke F-2 Ruggedwear Shooter có giá 165 USD.

Nếu bạn muốn sở hữu một chiếc túi bền bỉ để sử dụng và nhường lại cho con bạn sau này, Billingham 335 Shoulder là sự lựa chọn hoàn hảo đáp ứng nhu cầu trên. Được làm từ vải chất lượng cao không thấm nước nên túi có khả năng vượt qua mọi thử thách của thời gian. Đáy túi bọc hai lớp vải êm có tác dụng giảm sốc cho các thiết bị bên trong khi đặt xuống đất, nắp đậy túi cũng làm bằng loại vải không thấm nước. Billingham 335 Shoulder có đủ không gian để chứa hai bộ máy ảnh DSLR cùng nhiều phụ kiện rời, giá 389 USD.

Trong trường hợp bạn muốn chọn một chiếc túi nhỏ gọn hơn nhưng vẫn mang phong cách cổ điển thì National Geographic Africa Shoulder chính là thứ bạn cần. Túi chỉ chứa được một bộ máy ảnh DSLR và phụ kiện, bên trong có nhiều túi nhỏ để chứa các vật dụng khác, ngoài ra còn có một túi rời để bạn đựng riêng máy ảnh. National Geographic Africa Shoulder có giá 178 USD.

Túi thể thao

 

So với các loại túi cổ điển thì túi thể thao trông có vẻ hiện đại hơn, thiết kế táo bạo hơn và có khá nhiều màu sắc cho bạn tha hồ lựa chọn.

Khi nói đến một chiếc túi đựng máy ảnh phong cách thể thao với kích thước nhỏ gọn, không thể tìm thấy túi nào tốt hơn Ari Marcopoulos. Túi có màu xám lông chuột, có dây đeo bản lớn, bên trong gồm nhiều ngăn có thể dùng để chứa một bộ máy ảnh DSLR kèm một ống kính rời, ngoài ra còn có túi lót giả lông đựng máy ảnh Point-and-Shoot, iPad và điện thoại di động. Ari Marcopoulos có giá 200 USD.

Crumpler là thương hiệu túi khá nổi tiếng và quen thuộc đối với người dùng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hầu hết các sản phẩm túi của Crumpler đều được thiết kế theo phong cách mạnh mẽ, và 5 Million Dollar Home cũng không là ngoại lệ. Túi có kích thước phù hợp với hầu hết các loại máy ảnh DSLR hiện nay, vừa đủ rộng để bảo vệ máy và một số ống kính, bạn có thể khóa túi bằng ngàm bấm hoặc miếng dán, cả hai cách đều không gây ra tiếng ồn khó chịu nhờ tính năng giảm thanh thông minh.

Đối với phụ nữ, đối tượng luôn muốn sở hữu những sản phẩm cầu kỳ, màu sắc sặc sỡ thì Camera Daypack là sự lựa chọn tốt. Túi được làm bằng sợi nylon tổng hợp có lót lưới đệm, gồm hai màu xanh hoặc tím, khoảng không gian bên trong túi chỉ vừa đủ để đựng một chiếc máy ảnh DSLR, một ống kính hay đèn flash rời, nhưng có đến năm túi phụ để đựng các vật dụng linh tinh của riêng “phái yếu”. Giá của Camera Daypack khá mềm, chỉ khoảng 60 USD.

Túi hạng nặng


Đối với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, số lượng máy ảnh mà họ mang theo mỗi lần tác nghiệp khoảng 5-6 máy là bình thường, chính vì thế những chiếc túi của họ cũng “hầm hố” không kém.

Mặc dù kiểu dáng khá thô, nhưng hiệu quả mà chiếc túi Tamrac 5617 Ultra Pro 17 mang lại thì không tệ chút nào. Các thiết bị bên trong túi sẽ được bảo vệ tối đa nhờ đệm xốp bao bọc quanh túi, dưới đáy túi còn được trang bị thêm miếng lót nhựa giảm sốc. Túi có khả năng chứa cùng lúc hai bộ máy ảnh DSLR, khoảng 5-6 ống kính rời và một máy tính xách tay 15 inch. Mặt ngoài túi còn có nhiều ngăn nhỏ để đựng các phụ kiện khác. Tamrac 5617 Ultra Pro 17 có giá 170 USD.

Nếu không thích kiểu túi đeo chéo, bạn có thể chọn chiếc túi đeo vai có kiểu dáng đẹp như Timbuk2 Snoop Camera Backpack. Túi không gian bên trong túi cho phép chứa hai thân máy ảnh DSLR, một vài ống kính rời và phụ kiện nhỏ. Đi kèm túi là một túi chống sốc nhỏ hơn dùng để đựng máy tính xách tay 17 inch. Bên ngoài túi có các lỗ thông gió giúp làm mát các thiết bị bên trong. Giá 149 USD.

Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ưa thích mạo hiểm, thường xuyên tác nghiệp trong rừng, dưới thác nước,… thì Lowepro DryZone 200 backpack là chiếc túi mà bạn nên để mắt đến. Túi được làm bằng vải không thấm nước, dây kéo TIZIP cũng không thấm nước, hạn chế tối đa tình trạng nhiễm nước làm hư các thiết bị bên trong túi. Giá 365 USD.

4 loại filter cơ bản

1. Kính lọc UV 


Còn gọi là kính lọc cản tia cực tím UV (Ultra Violet). Loại tia này không nhận thấy bằng mắt thường nhưng lại có ảnh hưởng đến ánh sáng trong ảnh. Hiện tượng "mù" khi chụp ảnh được hình thành khi tia cực tím phản chiếu bụi trong không khí. Kính lọc UV được thiết kế để loại bỏ hiện tượng này. Máy ảnh số hiện đại có thể tự loại bỏ tia cực tím nên nó không cần đến một chiếc kính lọc UV như máy ảnh thế hệ cũ.
 
Tuy vậy, rõ ràng để thay một chiếc kính lọc UV thì rẻ hơn nhiều so với việc phải mua hẳn một ống kính mới (đối với dòng máy ảnh số). Hơn nữa, sử dụng kính lọc UV vừa giúp ảnh rõ nét hơn, lại vừa có công dụng như một tấm kính bảo vệ máy ảnh khỏi va đập và trầy xước

2. Kính lọc phân cực CPL 


Kính lọc phân cực CPL (viết tắt của Circular Polarizing Filter) là một thiết bị lọc phù hợp với những bức ảnh ngoại cảnh, nhất là vào những ngày nắng. Nó giúp màu trời trong ảnh sâu hơn, đẹp hơn, đồng thời ngăn không cho những tia sáng ở hướng khác đi vào tấm ảnh. Đặc biệt khi muốn chụp hình những đối tượng có độ trong như mặt nước, thủy tinh, sử dụng kính lọc CPL cho hiệu quả tốt, giảm độ "chói". Ai đã từng thử chụp mặt hồ, bể cá... đều có thể thấy hiện tượng chỉ chụp được hình phản chiếu hoặc quầng sáng chói mà không chụp được đối tượng mong muốn. CPL sẽ giúp bạn làm được ước muốn nhỏ nhoi này.

Kính lọc CPL sử dụng hiệu quả nhất khi hướng chụp vuông góc với mặt trời.  Yên tâm là những hiệu ứng màu sắc của CPL thì khó phần mềm xử lý ảnh nào có thể thay thế được.

CPL thường có một phần cố định gắn chặt vào đầu ống kính, một phần có thể tự xoay để phân cực ánh sáng. Bạn hoàn toàn chủ động điều chỉnh khi xoay CPL quanh ống kính và chọn hiệu ứng tốt nhất cho tấm ảnh của mình. Cần lưu ý xoay theo chiều kim đồng hồ để tránh kính bị rơi khỏi ống.

3. Kính lọc ND 


Kính lọc ND (viết tắt của Neutral Density) là một thiết bị giúp giảm sáng toàn phần tự nhiên, cản bớt cường độ ánh sáng làm giảm tốc độ chụp đáng kể ngay cả trong bối cảnh rất sáng, rất chói, chụp mặt trời chẳng hạn.

Kính lọc ND hữu dụng với để chụp ảnh phong cảnh, dành tặng cho các tín đồ  hay di chuyển, du lịch khắp nơi. Sử dụng loại kính lọc này còn giúp bạn tạo hiệu ứng chuyển động mờ (nhòa) cho ảnh, ví như khi chụp dòng chảy của nước, thác nước, chuyển động của một hành khách nhảy khỏi tàu hoặc một đám đông lễ hội rực rỡ sắc màu...

4. Kính lọc GND 


Là một phiên bản tương tự của kính lọc ND nói trên, kính lọc GND (Graduated Neutral Density) cũng có tác dụng làm giảm tốc độ chụp, cản và cân bằng độ sáng. Làm được điều này là do nửa trên của GND giống như một kính lọc ND thông thường, có màu sẫm, giúp cản sáng. Nửa dưới của GND lại giống như một kính lọc UV và không có tác dụng cản sáng. Ví như khi bạn cần chụp bầu trời và mặt đất nhưng muốn độ sáng không bị đối chọi quá, thì GND sẽ giúp bạn cân bằng độ sáng gần như nhau, giúp bầu trời không sáng quá, còn phần mặt đất tối sẽ trở nên rõ nét hơn. Ứng dụng này cũng thường được dùng khi các nhiếp ảnh gia chụp đường chân trời, vị trí có độ tương phản về độ sáng khá cao.

Cách sử dụng flash trong chụp phong cảnh

Ánh sáng mặt trời luôn là nguồn sáng tuyệt vời nhất cho một bức ảnh. Thế nhưng, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể có được nguồn ánh sáng tự nhiên và vô giá này. Và khi ấy, chiếc đèn flash trở nên một người bạn quý giá cho những ai đang cần một bức hình.
Về lý thuyết, sử dụng đèn flash của máy chụp hình là việc đơn giản: Bạn cần sự trợ giúp này khi không thể chụp ảnh chỉ với ánh sáng tự nhiên. Hầu hết máy ảnh hiện nay đều trang bị đèn flash, tuy nhiên bạn nên tham khảo các thủ thuật bên dưới để đảm bảo luôn “săn” được những bức ảnh đẹp nhất.



Khi nào nên dùng flash

Một số người luôn để đèn flash máy chụp hình ở chế độ mở, do đó sẽ có trường hợp đèn flash “đánh” không cần thiết. Trong khi đó, vài người lại tắt hẳn flash. Tốt nhất, bạn nên tắt flash và chỉ bật khi thực sự cần thiết.

Khi chụp lại khoảnh khắc của một hành động trong điều kiện ánh sáng yếu sử dụng flash, bạn cần tiên đoán trước vị trí nào của hành động mà mình sẽ chụp, lấy tiêu điểm (focus) trước bằng cách giữ nhẹ lên nút chụp ảnh, lúc này, khung tiêu điểm trên màn hình LCD sẽ chuyển từ trắng sang màu xanh lá cây. Cách này sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy được khoảnh khắc như ý của hành động đang diễn ra và giảm bớt độ trễ của màn trập. Lưu ý là giữ đối tượng chụp nằm trong phạm vi của đèn flash, thông thường là 5 m.

Một cách thức khác có thể áp dụng là tắt flash và tăng độ phơi sáng. Lúc này, máy ảnh sẽ giữ cho màn trập mở lâu hơn, cho phép nhiều ánh sáng vào trong bộ cảm biến hơn. Cách thức này cần được thử nghiệm nhỏ vì một vài lỗi có thể xuất hiện kèm theo sự gia tăng độ mờ trên ảnh. Tuy vậy, độ trung thực của ảnh được gia tăng đáng kể khiến các lỗi trên không còn là vấn đề lớn.
 

Dùng flash đúng cách

Hầu hết máy chụp hình đều cảnh báo người dùng bằng một biểu tượng trên kính ngắm khi không đủ ánh sáng để có được bức ảnh đẹp nếu không dùng đèn flash. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu được thông báo và để giải quyết tình huống này. Bạn cũng có thể kiểm tra tốc độ màn trập mà máy ảnh đang dự định sử dụng; giá trị dưới 1/60 giây là quá chậm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tăng độ nhạy ISO hay bật flash. Nhiều khả năng đèn flash trên máy ảnh của bạn còn hỗ trợ các chế độ khác ngoài tắt và mở. Bạn phải biết rõ khi nào cần chuyển hẳn sang chế độ “phủ flash “ (fill flash) để tránh hiện tượng bóng đổ khi chụp ảnh người đang đứng ngoài trời dưới ánh nắng trực tiếp, và khi nào cần chọn tính năng giảm mắt đỏ (red eye reduction) để chụp ảnh trong nhà dưới điều kiện thiếu sáng.


Ánh sáng mặt trời tự nhiên

Luôn luôn mang lại cho bức ảnh màu sắc trung thực và có chiều sâu hơn cả dù là buổi tối hay ban ngày. Ảnh chụp thuận sáng sẽ cho khuôn mặt người được chụp tươi tắn, hài hòa cùng cảnh vật. Trường hợp khi có nắng gây loang lổ khuôn mặt, bạn nên chọn chế độ xả thích hợp. Theo nhiều nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm thì họ dùng chế độ xả đèn từ 1/8 đến 1/32. Ở các địa điểm như dưới mái hiên hay trời hơi sầm, khuôn mặt đối tượng thường bị tối các góc cạnh như khóe mắt, hốc mũi ta cũng nên dùng flash nhưng chỉ xả ở mức khoảng 1/16 đến 1/32. Nếu bạn xả mạnh hơn, mặt người sáng nhưng hậu cảnh lại bị đen dẫn đến hình chụp ban ngày mà khi xem lại thành buổi tối.

Khi ở trong nhà

Để cảnh được sáng và thật màu ta không nên hướng thẳng đèn flash vào mặt đối tượng mà nên hướng đèn lên phía trần nhà (để dùng được thủ thuật này trần nhà phải phẳng, không có độ vát hay cong). Chế độ này giúp ta có được bức hình thật màu như chụp không dùng đèn. Ánh sáng phụ trong nhà góp phần quan trọng tạo nên bức hình đủ sáng. Lúc này, ánh sáng của đèn neon hay halogen rất quan trọng. Flash nên được xả mạnh hết cỡ hoặc 1/2, 1/4 tùy theo lưu lượng ánh sáng phụ và độ cao của trần nhà. Trần thấp thì xả nhẹ, cao thì mạnh. Tuy nhiên, cao quá (trên 10 m) thì “siêu sao” cũng phải “bó tay”, bạn chỉ nên “đánh” thẳng vào mặt.

Khi chụp hình ban đêm

Nhiều người chụp đánh flash vào một chủ thể xa rồi thắc mắc là vì sao chẳng nhìn thấy đâu, dù ở đó có trang trí đèn sáng. Đó là do khi chụp chúng ta để tốc độ (Speed) hơi cao, thậm chí quá cao hoặc đèn flash xả quá mạnh gây nên mặt người thì sáng trắng, phía sau đen xì. Đối với giới chuyên nghiệp thì điều này hết sức đơn giản: Tốc độ giảm xuống từ 1/8 đến 1'’. Nếu có chân ba càng để đặt máy lên thì càng tốt, đảm bảo được độ nét của cả người và cảnh. Flash lúc ấy bạn có thể để auto hoặc xả nhẹ chừng 1/4 đến 1/8 tùy theo chủng loại đèn. Nếu là máy ảnh số bạn có thể tăng ISO cao lên càng tuyệt tác.

Cách bảo quản phim khi đi du lịch

Cùng với trào lưu chụp ảnh bằng máy phim đang trở lại rầm rộ trong giới trẻ, việc bảo quản máy ảnh và phim khi mang chúng đi khắp nơi trên hành trình du lịch trở thành nhu cầu rất nhiều người quan tâm.

Để sở hữu những tấm ảnh phim tuyệt đẹp sau chuyến du lịch, hãy học cách bảo quản phim.

Thông thường, ở sân bay, bạn phải đưa toàn bộ hành lý xách tay của mình qua máy scan x quang ở khu vực an ninh. Nếu phim chưa qua xử lý, tráng, scan, rất có khả năng bạn sẽ trở về với một cuộn phím ám khói hay bị hỏng do tác động của tia x.


Để không trở thành nạn nhân của tia x và mang về nhà những tấm ảnh chụp phim đẹp, việc đầu tiên là đừng ngần ngại hỏi nhân viên sân bay xem liệu họ có thể tự kiểm tra cuộn phim thay vì kiểm tra bằng máy hay không.
 
Một số nhân viên sẽ không đồng ý nhưng một số người dễ tính có thể sẽ cho bạn qua. Đặc biệt nếu bạn mang theo một cuộn phim có ISO hơn 800, hãy giải thích để họ hiểu và giúp bạn trong trường hợp này. Nếu có ý định xin nhân viên kiểm tra, hãy đến sân bay sớm hơn vì quá trình kiểm tra này sẽ kéo dài hơn ít nhất 20 phút so với bình thường.


Bạn cũng có thể mua các loại túi chuyên dụng để cất giữ phim máy ảnh, tuy nhiên cần nhớ rằng hầu hết các túi này không bảo quản được phim có ISO dưới 800.


Ngay cả khi phim của bạn đã bị scan qua máy x quang, cũng đừng vội vứt chúng đi. Hãy scan, rửa những tấm ảnh chụp vào ngày sáng trời, nắng đẹp vì ánh sáng mặt trời sẽ làm giảm bớt lớp khói và những đường kẻ do máy x quang gây ra.


Bạn cũng có thể lựa chọn việc rửa những ảnh đen trắng vì khả năng bị ảnh hưởng do x quang thấp hơn nhiều.

Những chiếc máy ảnh phim nổi tiếng

Tạp chí Pop Photo đã lựa chọn ra danh sách 12 máy phim đáng giá cho nhu cầu hoài cổ này. Giá được tham khảo chủ yếu trên các trang chuyên bán đồ máy ảnh trên mạng như KEH, eBay hay Craigslist.

Bronica SQ/SQ-A 


Vốn chuyên được dùng để chụp đám cưới, phiên bản medium-format Bronica lần đầu ra mắt năm 1958 sử dụng ống Nikon. Năm 1980, với phiên bản SQ, Bronica từ bỏ ống Nikon và bắt đầu thay thế bằng các ống của riêng mình. Phiên bản SQ-A ra đời 2 năm sau đó. Cả hai đều lấy nét tay nhưng SQ-A có thêm tính năng khóa gương lật, chụp phơi sáng nhiều lần và tự động đo sáng (với thấu kính AE).

Bronica SQ/SQ-A là những máy medium-format đáng giá với những người muốn trải nghiệm phim vuông mà không phải tốn quá nhiều tiền cho các bản đầu bảng như Hasselblad. Trừ thấu kính AE, các phiên bản SQ/SQ-A cũng có thể lắp thêm cùng các phụ kiện như Hasselblad, kể cả thân Polaroid.
Khoảng giữa những năm 1990, Tamron đã mua lại Bronica để đứng vào hàng ngũ những nhà sản xuất máy ảnh medium-format. Tuy nhiên, trong năm 2004/2005, hãng này dừng sản xuất Bronica, vì thế mức giá của các máy ảnh nổi tiếng một thời đang ngày càng suy giảm. Đây là thời điểm tốt cho những người muốn thử nghiệm medium-format với mức giá khá dễ chịu.

Hiện tại, giá tham khảo trên mạng chỉ chỉ từ dưới 100 USD cho thân máy SQ hay 125 USD cho SQ-A. Nếu thêm kính AE, 1-2 ống kính, thân hậu 120/220, giá cũng chỉ 400 USD – 600 USD.


Canon EOS 1N 


Năm 1989, Canon giới thiệu phiên bản cao cấp EOS-1 và năm năm sau là bản đầu bảng EOS-1N với 5 điểm lấy nét (rất ấn tượng ở thời điểm đó), 16 vùng đo sáng có thể nối với các điểm nét và nhiều tính năng chuyên nghiệp khác. EOS-1N đã dứng ở ngôi vị đầu bảng khoảng 6 năm.
Hiện thân máy kèm báng được rao bán trên mạng có mức giá chỉ khoảng 180 USD đến 250 USD tùy tình trạng máy. EOS-1N sẽ là lựa chọn hấp dẫn cho các tín đồ Canon khi thân máy này vẫn có thể hoạt động hoàn hảo với tất cả các ống EOS bạn đang có.


Canon AE-1   


Đây là một trong những dòng máy phim bán chạy nhất thời nó ra mắt. AE-1 cũng là phiên bản đầu tiên có các tính năng mới như ưu tiên cửa trập, đo sáng TTL, bộ xử lý trung tâm… rất thích hợp cho các tay máy không chuyên hay cho nhu cầu chụp thông thường. Phiên bản này được duy trì sản xuất trong vòng 7 năm, khoảng thời gian không nhỏ nếu so với một vòng đời sản phẩm thông thường.
Với thiết kế chắc chắn, hiện phiên bản này đang được rao bán rất nhiều trên mạng với tình trạng khá tốt, giá chỉ khoảng 80 USD cho thân máy còn tốt hoặc 100 USD cho cả bộ kit. Tuy nhiên, lưu ý là phiên bản này không dùng ống EOS mà dùng ống kính FD.


Fujifilm GA645 


Phiên bản này có thể rất phù hợp với những người thích medium-format mà lại ưa gọn nhẹ. Fujifilm GA645 (phim 6x4.5) được trang bị sẵn ống kính fix Super EBC Fujinon 60mm lens (tương đưong 37mm máy phim thường), đèn flash tích hợp, chế độ từ động lấy nét, chấu cắm đèn ngoài… vì thế, bạn có thể chụp ngày mà không cần lo lắng phải mua thêm phụ kiện gì.
Giá trên mạng hiện tại cho phiên bản này khoảng 400 đến 500 USD.


Hasselblad 500c/500cm 


Ai cũng muốn mình sẽ một lần sở hữu phiên bản của Hasselblad, và mặc dù hiện hãng này cũng đã chuyển sang công nghệ số, các phiên bản phim vẫn hấp dẫn người dùng. So với các máy cũ trong danh sách này, đây là máy đắt tiền nhất. Tuy nhiên, bạn sẽ không thấy hối tiếc về chất lượng mà nó mang lại, hay kể cả là giá trị khi bán lại. Với chất lượng đã được khẳng định, dù thân máy cũ cũng không phải lo lắng về các cơ chế hoạt động do máy có độ bền, độ chính xác ít hãng nào có được. Tuy nhiên, khi mua máy, bạn sẽ phải tính đến chuyện mua thêm nhiều phụ kiện khác.
Giá tham khảo cho thân máy từ khoảng 250 USD không ống ngắm đến 450 USD có ống ngắm. Nhiều trang thường bán luôn cả thân máy và ống kính đi kèm với mức giá khoảng hơn 1.000 USD.


Leica R-series 


Tương tự như Hasselblad, nói đến Leica là nói đến danh tiếng và chất lượng với độ bền khó có thể tìm thấy ở các dòng máy khác. Mặc dù các máy Leica mới rất đắt đỏ, nhưng nếu tìm kiếm các phiên bản dòng R trước đây (như R3, R4, R5 chẳng hạn), bạn sẽ thấy giá của các "dấu chấm đỏ" này rất hợp lý, thậm chí có thân máy chỉ khoảng 79 USD (nhưng pin hỏng).
Hiện giá cho bản R3 tình trạng trung bình khoảng 145 USD, hay 435 USD cho R5 cho tới 659 USD cho bản R4 với ống 35-70mm.


Mamiya 645 Pro 


Một thân máy medium-format không kém phần được ưa chuộng là Mamiya 645 Pro. Ra mắt từ những năm 1992, phiên bản này có thiết kế chắc chắn, dễ dàng sử dụng và linh hoạt. Với mức giá cả hợp lý, phiên bản này cho đến nay vẫn được nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lựa chọn.
Mamiya 645 Pro chỉ hỗ trợ lấy nét tay. Nếu muốn có cơ chế lấy nét tự động, bạn phải tìm phiên bản 645 AFD với giá khởi điểm khoảng 950 USD.
Hiện giá trên mạng cho 645 Pro ở tình trạng tốt khoảng từ 172 USD tới 300 USD.


Nikon FM10 


Đây là một trong hai máy ảnh phim vẫn còn được sản xuất (bản kia dòng chuyên nghiệp F6 có giá khoảng 2.800 USD cho máy mới). FM10 mới được bán với giá 337 USD kèm ống 35-70mm. Tuy nhiên, nếu tìm những thân máy cũ trên mạng, bạn có thể mua được với mức thấp hơn nhiều, chỉ từ 50 USD tới 150 USD kèm ống kit. Dù chỉ có tốc độ đồng bộ đèn 1/125, tốc độ cửa trập từ 1-1/2000 nhưng phiên bản này cũng có nút xem trước DOF, lại có thiết kế rất chắc chắn với đủ các tính năng cần thiết, rất thích hợp cho những người mới học chụp. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm kiếm các bản chuyên nghiệp đời đầu như dòng F2 (khoảng những năm 1960-1970) với nhiều tình năng cao cấp hơn.


Nikon N80 

 

Có thể nói N80 (ra mắt khoảng năm 2000) là phiên bản dung hòa giữa dòng amateur và các dòng F chuyên nghiệp nặng nề. Tương tự các máy thời nay, tốc độ đồng bộ đèn chỉ 1/125, chế độ đo sáng không tương thích với các ống kính manual nhưng N80 được trang bị nhiều tính năng tiên tiến, tốc độ chụp khoảng 2,5 khung gình/giây và lại tương thích với các ống AF hiện nay. Vì thế, đây cũng là phiên bản đáng giá cho những tín đồ Nikon đã có DSLR rồi mà muốn thử hoài cổ về thời máy phim.
Giá tham khảo cho thân máy chỉ khoảng 50 đến 80 USD, nếu thêm ống kính Quantaray 28-200mm, đèn Nikon SB-27 Speedlight, giá cũng chỉ khoảng 150 USD và được tặng thêm pin phụ và phim.


Pentax 67 


Một phiên bản medium-format tương đối nặng nề nữa đến từ Pentax là bản Pentax 67 (phim 6x7 thay vì phim vuông 6x6). Đây là dòng không có tính năng khóa gương lật, vì thế có thể gây rung máy khi cần chụp trong những điều kiện khắt khe. Thêm vào đó tiếng lật gương khá lớn, có thể gây khó chịu với những người không quen.
Vì thế mà máy này có giá chỉ khoảng 126 USD cho thân máy hay 320 USD kèm ống Pentax SMC 165mm.


Pentax K1000 


Trong dòng máy phim thường, Pentax khá nổi danh với K1000 có kết cấu rất vững chắc, dễ sử dụng, có đầy đủ các tính năng cơ bản cần thiết. K1000 là một trong những máy thông dụng nhất trên thị trường những năm 1970.

Nếu đã có ống Pentax, nhất là các ống cũ, bạn có thể mua thêm K1000 để trải nghiệm với giá cho thân máy chỉ khoảng 40-50 USD.

Ricoh GR-1 


Cuối cùng là một đại diện Nhật Bản không kém phần danh tiếng vì những tính năng đổi mới là Ricoh với phiên bản GR-1, gọn nhẹ như một máy du lịch với ống fix 28mm, hỗ trợ chế độ tự động hoàn toàn, ưu tiên độ mở, tự động lấy nét, khóa nét… Cùng với chất lượng hình ảnh khá hoàn hảo, phiên bản GR1 vì thế không ngạc nhiên khi được rao bán trên mạng với mức giá tới 300 USD hoặc hơn tùy tình trạng. Nếu không quá quan tâm đến hình dáng, bạn có thể mua được với giá khoảng trên dưới 200 USD.

Copyright @ 2014 Phố nhiếp ảnh